Bể nuôi ếch có diện tích trung bình 6-30m2 (2×3, 2×5, 3×5, 4×6, 5×6), tường cao 1,2-1,5m, có lưới đậy để tránh ếch nhảy ra, hạn chế ánh nắng trực tiếp và làm tăng nhiệt độ. Đồng thời, tránh kẻ thù gây hại như: rắn, mèo, chuột, chim…Đáy bể nên làm nghiêng 50 để dễ thay nước. Chú ý, bể nuôi ếch không nên che mát hoàn toàn. Trong bể nuôi nên làm những giá thể: Lục bình, rau muống (trong ao) hoặc phao, tấm nhựa nổi, bè tre, tấm nilon đục lỗ…nổi trên mặt nước đủ cho tất cả ếch trong bể ăn mồi, nghỉ ngơi. Lưu ý giá thể không vượt quá 2/3 – ½ chuồng/ao nuôi. Thiết kế hệ thống cấp thoát nước cho ếch. Mực nước trong bể nuôi ngập ½-2/3 thân ếch. Nên thường xuyên phun nước tưới cho ếch, nhất là vào lúc trưa nắng.
Cách xử lý bể mới xây: Bơm nước vào đầy bể, dùng thốc tím 5g/m2 cho vào bể ngâm nhằm khử nước xi măng trong thời gian khoảng 15-20 ngày, sau đó xả hết nước trong bể, vệ sinh sạch sẽ, tiếp tục bơm nước vào bể khoảng 40-50cm chiều cao, dùng muối ăn theo tỷ lệ 20-30g/m2 nước. Sau 2 ngày thải nước đó, cho nước sạch vào bể, kiểm tra độ PH nước trong bể đạt 6.5 – 7 là thả ếch vào được.
Chọn giống ếch và mật độ thả nuôi: Ếch có đặc tính là cạnh tranh thức ăn rất cao, dẫn đến phân đàn mạnh và ăn thịt lẫn nhau. Vì vậy, cần chọn những ếch cùng ngày tuổi, kích thước, khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, không bị xây xát, dị tật và thả với mật độ hợp lý là hết sức quan trọng và quyết định năng suất sau này. Cụ thể:
– Ếch giống cỡ 5-6g/con, đảm bảo chất lượng và quen ăn thức ăn viên.
– Ếch 5-70g/con: thả 150-200 con/m2.
– Ếch 70-150g/con: thả 100-150con/m2.
– Ếch 150g/con trở lên: thả 80-100 con/m2.
Lưu ý: Trước khi thả giống nên tắm ếch bằng nước muối 3% trong 15 phút. Chọn ếch giống cùng cỡ, sau khi thả nuôi 7-10 ngày kiểm tra, lựa nuôi riêng những con ếch lớn vượt đàn để tránh sự ăn lẫn nhau. Khi ếch đạt trọng lượng 50-60g sự ăn nhau giảm.
Thường xuyên thay nước. Nước thay có thể là nước sông, nước giếng, nước ao nhưng phải đảm bảo sạch.
Thức ăn và quy trình chăm sóc: Hiện nay thức ăn cho ếch sử dụng trong những mô hình nuôi ếch thương phẩm hoàn toàn là thức ăn công nghiêp có hàm lượng đạm từ 22-40%. Khi cho ếch ăn, thức ăn phải được rãi đều khắp bể nuôi, tránhcho ếch ăn tập trung một chỗ, ếch giành thức ăn sẽ cắn nhau. Cho ếch ăn nhiều lần trong ngày :
Ếch giống (5-100g) cho ăn 3-4 lần/ngày. Lượng ăn từ 7-10% trọng lượng thân.
Ếch lớn (100-250g) cho ăn 2-3 lần/ngày. Lượng ăn từ 3-5% trọng lượng thân
Ếch ăn mạnh vào chiều tối hoặc ban đêm hơn ban ngày nên lượng thức ăn vào chiều tối và ban đêm gấp 2-3lượng thức ăn ban ngày. Hằng ngày theo dõi mọi hoạt động của ếch: Mức ăn, tốc độ lớn, tình hình bệnh để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra..Định kỳ nên thay nước, vệ sinh bể nuôi, bổ sung thêm vitamin, men tiêu hóa để giúp ếch tăng cường sức khỏe hạn chế dịch bệnh và tiêu hóa tốt thức ăn. Ngoài ra cũng cần phải lựa chọn khích cỡ thức ăn và hàm lượng đạm cho phù hợp với sự phát triển của ếch.
Thu hoạch sau mỗi vụ nuôi: Sau khi thả giống nuôi được 2,5-3 tháng ếch đạt 150-300g/con (ếch Thái) thì có thể tiến hành thu hoạch bán ếch thịt. Cho ếch ngừng ăn trước khi thu hoạch 10-12 giờ. Tháo cạn nước trong bể nuôi rồi dùng vợt xúc hoặc thu bằng tay. Dùng hộp xốp có lỗ thông hơi và bèo tây hoặc dùng túi nilông có nước để vận chuyển ếch. Vợt xúc, các dụng cụ dùng để chứa đựng ếch phải nhẵn, hạn chế bị sây sát. Đề phòng tỷ lệ chết cao, phải theo dõi ếch liên tục để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh khi nuôi.
Phải quét dọn thức ăn rơi rãi thường xuyên vì nếu thức ăn rơi rãi trong hồ nhiều sẽ làm nước thối, sinh bệnh, ếch dễ bị ghẻ lở, mù mắt, vẹo cổ, …Trong thời gian nuôi, nếu phát hiện trong bể có ếch bệnh, ốm yếu, bỏ ăn nên tách ra nuôi riêng, điều trị khỏi mới thả lại xuống bể nuôi. Trong thời gian nuôi nếu không thật cần thiết không nên vào quấy rầy ếch sẽ làm ếch giật mình, ếch có thể bỏ ăn.