Phần lớn các loài động vật có thể chuyển hoá nhiệt trong cơ thể ra ngoài bằng cách đổ mồ hôi và tăng nhịp thở – đây là 02 công cụ quan trọng để duy trì nhiệt độ cơ thể. Tuy nhiên, heo lại không có tuyến mồ hôi và thể tích phổi so với kích thước cơ thể khá bé nên chúng rất dễ bị stress khi nhiệt độ môi trường tăng cao (stress nhiệt).
Stress nhiệt kéo dài dẫn đến tình trạng heo bị tiêu chảy, mất điện giải do uống nước quá nhiều, rối loạn cân bằng acid –base, tiêu hóa kém… thậm chí gây chết. Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy: khi cho heo tiếp xúc với nhiệt độ 35oC trong 24 giờ, chức năng của hàng rào miễn dịch trong đường ruột sẽ bị phá huỷ nghiêm trọng và nồng độ nội độc tố trong máu gia tăng.
Stress nhiệt tạo điều kiện cho các mầm bệnh thứ phát xâm nhập vào cơ thể, nhân lên và gây bệnh Chính vì vậy, stress nhiệt trên heo gây suy giảm nghiêm trọng “túi tiền” của người chăn nuôi do heo suy giảm năng suất, tăng tỷ lệ bệnh và tăng chi phí thuốc điều trị,…
Các hậu quả của stress nhiệt trên heo:
– Heo thịt: giảm tăng trọng ngày, tăng FCR, giảm chất lượng thân thịt
– Heo nái: chậm động dục trở lại hoặc không động dục sau cai sữa, tăng tỷ lệ lốc, phối không đạt, thai chết lưu hoặc sảy thai tùy thuộc từng giai đoạn, chết đột tử, giảm sản xuất sữa, giảm khối lượng heo con cai sữa
– Heo nọc: giảm số lượng và chất lượng tinh
– Suy giảm miễn dịch: giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh kế phát khác như viêm ruột, tiêu chảy, suyễn,…
Giải pháp: Kết hợp giữa các biện pháp chống nóng vật lý (tác động từ bên ngoài: hạ nhiệt độ môi trường nuôi như: thiết kế bạt che chắn, bổ sung quạt nhằm đảm bảo sự thông thoáng, lắp đặt hệ thống giàn phun nước để hạ nhiệt môi trường) và chống nóng sinh lý (hỗ trợ vật nuôi từ bên trong cơ thể: Bổ sung các chất điện giải, vitamin, men tiêu hóa). Tránh cho ăn vào các thời điểm nắng nóng nhất trong ngày (10h-15h), chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa.