Úm gà là giai đoạn đầu đời của đàn gà. Trong giai đoạn này, gà rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường sống do thân nhiệt chưa ổn định, chức năng của nhiều cơ quan chưa hoàn thiện, sức đề kháng còn yếu, trong khi tốc độ sinh trưởng lại nhanh. Do đó nếu ko nắm vững các nguyên tắc úm sẽ khiến gà con còi cọc, chậm lớn, sức đề kháng giảm, dễ nhiễm bệnh. Dưới đây là những yếu tố cần biết để úm gà thành công:
Kiểm soát nhiệt độ: 7 – 14 ngày đầu tiên, gà con chưa thể tự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, do đó nhiệt độ cơ thể của chúng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt độ môi trường bên ngoài. Quá lạnh hoặc quá nóng đều buộc gà con sử dụng năng lượng dành cho sự sinh trưởng cho việc điều chỉnh lại nhiệt độ cơ thể.
Thức ăn là nguyên liệu cho sự phát triển: Gà sử dụng nguồn năng lượng và protein từ thức ăn cho sự phát triển của các hệ thống sống cơ bản như mô cơ, khung xương, tiêu hoá và miễn dịch.
Nước uống: Nước là kênh vận chuyển hiệu quả các chất dinh dưỡng, loại bỏ chất độc, phân tán nhiệt,… Hơn thế nữa: Không uống đủ nước gà cũng sẽ không ăn đủ.
Chất lượng không khí: Nồng độ khí ammonia (NH3) hoặc CO2 quá cao sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ và khả năng sinh trưởng của gà. Chuồng quá kín, thông thoáng kém, không khí không được lưu thông sẽ dẫn tới tích tụ khí độc trong chuồng. Nồng độ khí ammonia (NH3) nên giữ ở dưới ngưỡng 25 ppm, nồng độ CO2 dưới 3.000 ppm.
Chiếu sáng: Ánh sáng kích thích gà con tiếp cận và thu nhận thức ăn, nước uống. Sự chênh lệch tối đa giữa điểm tối nhất và sáng nhất trong chuồng là không được quá 20%. Sự chênh lệch lớn hơn sẽ tác động tiêu cực đến sự phân bố của gà con trong chuồng, dẫn đến vấn đề về sự không đồng đều và kích thước.