Tác nhân gây bệnh: Trùng mỏ neo có tên khoa học lernaea, cơ thể dài từ 6-12 mm, con đực nhỏ hơn con cái. Đầu có đôi sừng có hình dạng giống mỏ neo đâm sâu vào cơ thể ký chủ. Sau khi giao phối, con đực sống tự do trong nước vài ngày rồi chết, trong khi con cái lại sống ký sinh trên cá
Phân bố và lan truyền: Trùng mỏ neo là các ký sinh trùng ngoại ký sinh trên da, vẩy, mang, hốc mũi, mắt, miệng của nhiều loài cá, gặp ký sinh trên cá nước ngọt nhiều hơn cá nước mặn. Gặp ở ao nuôi cá con, ao nuôi cá thịt và ao nuôi cá bố mẹ nước ngọt; gặp ở một số loài cá như trắm cỏ, mè trắng, mè hoa, cá chép, cá diếc và một số cá khác. Cá nhiễm bệnh trùng mỏ neo không chết tuy nhiên cá sẽ kém ăn, bỏ ăn, gầy yếu. Các bộ phận bị Trùng mỏ neo bám sẽ là nơi dẫn đường cho các loại vi khuẩn, vi rút và nấm tấn công làm chết cá. Bệnh xảy ra quanh năm tuy nhiên tập trung phát triển mạnh vào mùa thu đông, đông xuân và có tỷ lệ cảm nhiễm cao. Nhiệt độ thích hợp cho trùng mỏ neo phát triển từ 18-300C, đặc biệt các ao có mực nước nông, ao nước trong và đục.
Phòng bệnh: Sau khi thu hoạch phải tháo nước, bón vôi và phơi đáy ao. Sau 5 – 10 ngày cho nước vào ao sau đó dùng vôi hoặc các loại hóa chất để xử lý nước trước khi thả cá. Dùng lá xoan treo ở các góc ao hoặc dùng các loại thuốc có chiết suất từ lá xoan xử lý môi trường định kỳ 15-20 ngày/lần, kết hợp sử dụng các loại thuốc trị nội ngoại ký sinh trùng cho ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất